Vua Phổ Friedrich II của Phổ

Sự lớn mạnh của Vương triều BrandenburgPhổ (1600 – 1795).

Trước khi Friedrich lên nối ngôi vua, các triết gia và văn sĩ châu ÂU đều mong ông trở thành một ông vua hiền triết. Tuy nhiên, hy vọng này nhanh chóng lắng xuống khi Friedrich phảii đương đầu với những thực tế chính trị. Khi Friedrich nối ngôi "Vua ở Phổ" vào năm 1740, ông đã thừa hưởng từ vua cha một nhà nước giàu mạnh và một quân đội hùng mạnh do triều trước dày công xây cất.[29][30] Dù vậy, thời bấy giờ Phổ vẫn còn là một vương quốc nhỏ bao gồm những vùng đất nằm rải rác, chẳng hạn như Cleves, Mark, và Ravensberg ở phía Tây của đế quốc La Mã Thần thánh; Brandenburg, Nội Pomerania, và Ngoại Pomerania ở phía Đông Đế quốc; và cựu Công quốc Phổ nằm bên ngoài Đế quốc và có đường biên giới với Ba Lan. Ông có tước hiệu là Vua ở Phổ vì lãnh thổ của ông chỉ là một phần của vùng đất Phổ thuộc đế quốc La Mã Thần thánh. Mãi đến năm 1772, sau khi chiếm được phần lớn những vùng đất còn lại, ông mới tự phong làm Đức Vua của Phổ.

Xây dựng quân đội Phổ

Một trong những việc đầu tiên Friedrich bắt tay vào sau khi lên ngôi là huấn luyện sĩ tốt, xây dựng một quân đội kỷ luật nhất châu Âu. Về số lượng quân sĩ, nếu phụ vương Friedrich Wilhelm I đã tăng quân số Phổ từ 3 vạn lên gần 9 vạn binh lính,[31] thì ông lại tiếp tục mở rộng quân số Phổ đến 20 vạn quân sĩ tinh nhuệ.[32] Như vậy, quân số Phổ tương đương với quân số Đế quốc Áo, bất chấp một thực tế là nước Phổ thua xa Áo về số dân (chỉ chiếm 30 phần trăm dân số nước Áo thời bấy giờ),[33] chưa kể là dân số thua xa cả Nga, Anh lẫn Pháp.[34] Trong các nước châu Âu thời đó, Phổ được quân sự hóa hơn cả; có nhận định của nhà sử học người Đức Georg Heinrich von Behrendost, nhưng thường được cho là của Mirabeau, như sau:[35]

Vương quốc Phổ là một Quân đội có Quốc gia, chứ không phải là một Quốc gia có Quân đội. Nước Phổ chỉ là một cái đồn của Quân đội Phổ.
— Georg Heinrich von Behrendost
Die Huldigung der schlesischen Stände vor Friedrich II. in Breslau 1741, 1882, hoạ phẩm của Wilhelm Camphausen (1818–1885).

Dưới triều đại Friedrich II, quân đội Phổ trở thành một lực lượng có tinh thần kỷ luật, với những binh sĩ thiện chiến và mẫn tiệp. Song, quân đội Phổ của ông là một trong những cỗ máy cứng nhắc nhất trong lịch sử quân sự Đức, người lính Phổ chỉ là một dụng cụ. Người lính Phổ không hề suy nghĩ, anh ta chỉ răm rắp làm theo lệnh của cấp trên.[36][37] Friedrich cũng đào tào kỹ lưỡng lực lượng Kỵ binh, nên theo triết gia Friedrich Engels, nhà vua còn có trong tay một "lực lượng Kỵ binh không ai sánh kịp", đây sẽ là lực lượng giữ vai trò là cú đấm quyết định trong các trận đánh lớn.[33][38] Không những thế, trong dự toán ngân sách quốc gia hàng năm thì ngân sách quân sự đã chiếm đến 80 phần trăm. Công cuộc cải cách Quân đội Phổ đã tạo cho vị Quốc vương có điều kiện để tiến hành những cuộc chinh phạt mở mang bờ cõi tại Âu châu lục địa.[33]

Sau cuộc chiến tranh Silesia lần thứ hai, tận dụng khoảng thời gian quý báu này, Friedrich II tăng cường cải cách Quân đội Phổ - Brandenburg. Ông chú trọng đưa những đội pháo binh (do chiến mã kéo) trở thành một binh chủng của Quân đội Vương quốc Phổ, qua đó tăng cường sức cơ động cho pháo binh đồng thời ban bố quy định mỗi năm đều phải thực hiện chế độ duyệt binh và diễn tập với mục đích là hoàn tất cơ chế huấn luyện Quân đội.[33] Để trang bị về mặt lý luận quân sĩ và động viên tinh thần toàn quân, vào năm 1746, nhà vua ho ra mắt tác phẩm "Lịch đương đại" và sang năm 1747, ông lại xuất bản một tác phẩm khác - đó là sách "Những lời dạy của vua Friedrich Đại đế đối với Quân đội của mình".[33] Tác phẩm này được xem là một trong những luận thuyết về binh cách xuất sắc trong lịch sử.[39]

Trong suốt bảy năm chinh chiến, nhà vua nhận thấy nước Phổ cần có một lực lượng dân quân tự vệ, và do đó ông đã xây dựng lực lượng này.[40] Vào năm 1759, ông thiết lập một khẩu đội pháo bao gồm những khẩu hỏa pháo nặng đến sáu pao và mỗi khẩu pháo được một con chiến mã kéo, được đóng yên cương theo từng cặp với ba kỵ sĩ, và được phục vụ bởi bảy thượng sĩ phụ trách khẩu pháo. Dù khẩu đội pháo thường chịu tổn thất trên trận tiền do những kỵ sĩ không đáng tín nhiệm, "cơ cấu biệt đội" này được nhà vua tin tưởng là lợi thế về chiến thuật của lực lượng Quân đội Phổ, và sẽ còn được di truyền về sau..[41][42] Một số cường quốc Âu châu đã xây dựng lực lượng Quân đội theo kiểu nước Phổ dưới triều Friedrich II.[43]

Công cuộc mở mang bờ cõi Phổ

Chân dung Friedrich II.

Friedrich II mong muốn đổi mới và thống nhất những vùng đất cát cứ trong Vương quốc của mình. Triều đại lâu dài của ông chứng kiến việc Triều đình Phổ phá vỡ quyền "thiên tử" toàn bộ Đức của Triều đình Áo như trước đây, nói cách khác là sự ra đời của "chủ nghĩa nhị nguyên Đức" (1740 – 1866) của ÁoPhổ - hai nước hùng mạnh nhất trong đế quốc La Mã Thần thánh.[44] Để đòi quyền thống trị những vùng nói tiếng Đức, ông đã phát động không ít cuộc chiến tranh chống lại đế quốc Áo - do Hoàng gia Habsburg trị vì. Hầu hết các Hoàng đế La Mã Thần thánh cầm quyền từ thế kỷ XV cho tới năm 1806 đều là thành viên của triều đại Habsburg này. Những thắng lợi quân sự của Friedrich đã nâng cấp Phổ từ một nước khá yếu lên thành một cường quốc hàng đầu châu Âu khi đó. Có được thành tựu này là nhờ ông đã phát huy tiềm lực về quân sự vốn có của Phổ từ thời Friedrich Wilhelm I và nói theo lối sống thanh đạm của tổ tiên.[45]

Chiến tranh Kế vị Áo (1740 - 1748) và 10 năm thái bình

Bài chi tiết: Chiến tranh Silesia

Friedrich muốn chiếm Schlesien, tỉnh giàu có nhất Áo.[46] Ông bèn đối kháng "Đạo luật Thừa kế năm 1713" cho Maria Theresia kế ngôi vua Áo. Ông cũng quan ngại rằng, vua Ba Lan kiêm tuyển hầu tước Sachsen August III sẽ chiếm Schlesien hầu cách nối lại những vùng đất rời rạc của mình. Ngày 16 tháng 12 năm 1740, Friedrich đích thân dẫn 28000 quân đi đánh Schlesien[47], viện cớ thực thi một hiệp ước giữa nhà Hohenzollern với nhà Piast xứ Brieg (Brzeg) năm 1537, mà hầu như không ai biết đến. Trước đó, ông đã đề nghị Maria Theresia nhượng cho ông Glogau và Schlesien, đổi lại ông sẽ tôn chồng bà làm Hoàng đế La Mã Thần thánh Franz I, nhưng bà không hồi âm.[48]

Quân Phổ trong trận Mollwitz (1741)

Cuộc chiến đầu tiên (1740 - 1742)

Friedrich nhanh chóng hạ các đồn binh Áo và thu phục Hạ Silesia tháng 2 năm 1741.[49] Năm 1741, quân Áo phản kích, bị Friedrich phá tan ở trận Mollwitz ngày 10 tháng 4. Đầu trận này kỵ binh Phổ lép vế trước kỵ binh Áo, Friedrich phải rời bỏ trận địa, nhưng bộ binh Phổ do thống chế Schwerin chỉ huy đã đánh bại quân Áo. nhà vua vẫn đóng quân tại đây và nạp thêm tân binh vào Quân đội Phổ, cũng như cải thiện chất lượng của Kỵ binh.

Kết quả trận Molwitz mở đường cho Friedrich II lập liên minh với Pháp, Bayern, một số vua chư hầu người Đức, Tây Ban Nha, Sardinia và Thụy Điển, chống Áo, Anh, Hà Lan và Nga. Sau đó, Friedrich đem quân chiếm Bohemia, lấn sang cả Morava nhưng thất lợi phải lui về Bohemia. Đại quân Áo tới Bohemia, lại thua Friedrich trong trận Chotusitz (Czaslau) ngày 17 tháng 5. Sau đó Friedrich xé bỏ liên minh với Pháp và ký Hòa ước Breslau với Áo vào ngày 11 tháng 6 năm 1742, theo đó người Phổ nhận được vùng Silesia, đổi lại nước Phổ cũng phải gánh món nợ 1,7 triệu đồng Thalers của Áo.[50] Việc Phổ thu phục Schlesien cũng được chính thức công nhận theo Hiệp định Berlin vào ngày 28 tháng 7.[51] Sau cuộc chiến tranh này, đất Phổ mở rộng thêm 1/3.[52]

Cuộc chiến thứ hai (1744 - 1745)

Năm 1744, Áo mưu chiếm lại Silesia, Friedrich nhân danh đồng minh của Pháp và Bayern tái chiến, mở ra chiến tranh Silesia lần thứ hai (1744 – 1745)[53] Ông dẫn 8 vạn đại quân chiếm Sachsen, sau đó tràn sang Bohemia nhưng không thành công do chiến thuật tiêu thổ của Áo.[54] Tướng Áo đem 7 vạn quân Áo-Sachsen phản kích vào Schlesien, Friedrich dẫn 65 nghìn quân bất thần đánh trận địa địch trong trận Hohenfriedberg ngày 4 tháng 6 năm 1745. Liện quân tan chạy về đất Áo.[55]

Chiến thắng tại Hohenfriedberg, Cuộc tấn công của Bộ binh Phổ, tranh sơn dầu trên vải bạt của Carl Röchling.

Ngày 26 tháng 8, Friedrich ký hòa ước với Anh, nhưng Áo quyết không hòa. Tháng 9 Friedrich đánh Bohemia, không thắng. Trên đường rút, khoảng 2 vạn quân Friedrich bị 4 vạn quân Áo đột kích trong trận Soor, nhưng quân Phổ nhờ tinh thần kỷ luật cao nên thắng.[56] Cuối năm 1745, liên quân Áo-Sachsen lại đến đánh Brandenburg. Friedrich đem 35 vạn quân rời Schlesien, đột kích và phá vỡ đạo quân tiên phong Sachsen tại Hennersdorf ngày 23 tháng 11.[57] Hôm sau, ông lại thắng ở Görlitz.[58]

Cuối năm 1745 Friedrich II chia quân làm 2 cánh sang đánh Sachsen. Cánh quân thứ nhất do Friedrich trực tiếp chỉ huy chiếm được Leipzig; cánh quân thứ hai của Thống chế Leopold von Anhalt-Dessau đụng một trận lớn với liên quân Áo-Sachsen ở Kesselsdorf, liên quân thua lớn. Ngày 17 tháng 12 năm 1745, 2 cánh quân gặp nhau ở Dresden. Áo chịu giảng hòa.[59] Theo Hiệp định Dresden vào Giáng sinh năm 1745, Friedrich giữ vững quyền bá chủ các xứ Silesia và Glatz,[60] tôn chồng của Maria Theresia là Franz I làm Hoàng đế La Mã Thần thánh và nhận chiến phí gồm 1 triệu thaler từ Tuyển hầu tước xứ Sachsen. Cuộc chiến tranh Kế vị Áo kết thúc với Hòa ước Aachen (1748), kể từ đó nước Phổ vươn lên thành một cường quốc Âu châu.[61] Dân số nước Phổ đã tăng vọt; ngoài ra, ông cuộc chinh phạt xứ Silesia đã mang lại quyền kiểm soát sông Oder cho Phổ.

Vào tháng 12 năm 1745, Friedrich II kéo quân về Berlin. Dân Phổ đứng chật hai bên đường nghênh đón nhà vua và đây là lần đầu tiên ông đượ gọi là "Friedrich Đại Đế".[62] Sau khi ông hoàn tất cuộc chiếm đóng vùng Silesia, trong khoảng 10 năm sau đó ở châu Âu không có những hoạt động quân sự nào đe dọa đến nền an ninh quốc gia của Phổ.[33] Sau đó, nhà vua còn viết thêm phần "Rêveries politiques" vào di chúc của ông (1752). Trong "Rêveries politiques", nhà vua trình bày những cuộc chinh phạt Phổ nên tiến hành trong tương lai.[63] Ông cho rằng, các vua Hohenzollern cần phải chiếm Sachsen, Pomerania thuộc Ba Lan và Phổ thuộc Ba Lan. Bên cạnh đó, trong "Di chúc Chính trị" (1752), nhà vua cũng khuyên các vua kế tục không nên tranh ngôi Hoàng đế La Mã Thần thánh với vua Áo.[64]

Chiến tranh Bảy năm (1756 - 1763)

Bài chi tiết: Chiến tranh Bảy năm

Nước Áo Habsburg là kẻ thù truyền kiếp của nước Pháp Bourdon. Trước đây vua Pháp Louis XV theo phe Friedrich II trong cuộc chiến 1740-48. Tuy nhiên, năm 1756, liên minh Anh-Áo tan rã, một phần vì Anh bận đánh Pháp giành thuộc địaBắc MỹẤn Độ từ năm 1755 nên không thiết tha với Áo. Lúc này Phổ đã phất lên ngoạn mục, làm cả Áo và Pháp đều lo sợ. Hai nước bèn bắt tay lập liên minh. Friedrich sợ, liền lập liên minh với Anh tại Hiệp định Westminster ngày 6 tháng 1 năm 1756. Anh sở dĩ chịu liên minh và viện trợ cho Phổ vì Anh muốn dùng Phổ để kiềm chế Pháp tại châu Âu.[65]

Sau đó, Friedrich phán đoán Áo, Pháp sẽ họp quân đánh Schlesien, nên ông phải tung đòn phủ đầu trước. Ông thảo ra 3 mục tiêu: 1) đánh gấp Sachsen (một nước trung lập trong khối La-Đức mà ông nghĩ là theo Áo), xóa sổ đe dọa từ Sachsen và dùng nhân lực, tài lực Sachsen nuôi sống quân Phổ; 2) đánh Bohemia; 3) đánh Mähren theo đường Schlesien, chiếm thành Olmütz, nhân thế chẻ trẻ tiến ra Viên bắt Áo đầu hàng.[66]

Ngày 29 tháng 8 năm 1756, Friedrich sai một tướng đem 25000 quân giữ Schlesien phòng quân Áo từ Mähren và Hungary lấn sang, một tướng khác giữ Đông Phổ phòng Nga lấn (lúc này Nga khá thân thiện với Áo). Tự Friedrich đem 10 vạn đại quân bất thần đánh Sachsen. Ngày 9 tháng 9, quân Phổ vào quốc đô Dresden, quân Sachsen về giữ Pitna. Tiếp theo đó, ngày 10 tháng 9 Friedrich vây thành Pirna. Khi Áo gửi quân tiếp viện giúp Sachsen, Friedrich tiến ra đánh Áo trong trận Lobositz ngày 1 tháng 10. Quân Áo đã được bảo ban, rèn luyện kỹ nên chiến đấu rất ngoan cường. Hai bên đều chết hại cỡ 2900 quân, và Friedrich khó khăn lắm mới thắng được. Ngày 13 tháng 10, Pirna thất tủ, Friedrich II ép quân Sachsen phải nhập ngũ quân đội Phổ. Hành vi này đã gây cho dư luận châu Âu (kể cả nhiều người Phổ) phẫn nộ.[67][68]

Giai đoạn đầu (1757 - 1758)

Sau khi Friedrich đánh Sachsen, Áo, Nga, Pháp, Thụy Điển và khối La-Đức tính đem 50 vạn quân vây đánh Phổ. Friedrich chỉ có hai đồng minh là Anh và Hanover, nhưng Anh chỉ viện trợ về mặt tài chính.[69] Do vậy tháng 4 năm 1757, Friedrich cầm 64000 quân, cấp tốc đánh Bohemia hòng loại trừ Áo. Ông đánh bại quân Áo do Karl xứ Lothringen chỉ huy tại Praha ngày 6 tháng 5, nhưng Phổ hao hụt hơn 12000 người. Ngày 18 tháng 6, thống chế Áo Leopold Joseph von Daun dẫn viện binh áp sát Praha. Friedrich đem 35000 quân đánh hơn 5 vạn quân Daun trong trận Kolín, kết quả ông thua to, quân Phổ chết hại gần 14000. Chiến dịch Bohemia bị phá sản, Friedrich tháo chạy về Sachsen.[70][71]

Friedrich II trong trận Zorndorf.

Sau chiến thắng Kolín, liên minh Áo-Nga-Pháp-Thụy Điển tung quân vây đánh 4 mặt. Mặt đông, quân Nga đánh tan 3 vạn quân của trấn thủ Đông Phổ Hans von Lehwaldt; mặt bắc, quân Thụy Điển tràn xuống Pommern; mặt nam, Karl xứ Lothringen và Daun đem hơn 8 vạn đại quân Áo thu hồi Schlesien; mặt tây, quân đội Pháp tiến công Sachsen và các nước đồng minh của Phổ ở miền Tây Đức. Cùng lúc đó, vương công Joseph xứ Sachsen-Hildburghausen chiêu mộ 25 nghìn quân khối La-Đức tại thượng lưu sông Rhine hòng chuẩn bị hợp lực với Pháp đánh chiếm Berlin ép Phổ đầu hàng.[56][72][73]

Cuối năm 1757, Friedrich nhận diện quân Pháp của thống chế Soubise là mắt xích nguy hiểm nhất, bèn dẫn 2 vạn binh đến tây Sachsen. Bấy giờ Soubise đã hội quân với Hildburghausen, quân số đông gấp đôi Phổ, lại đóng đồn rất chắc ở bờ tây sông Saale. Ngày 5 tháng 11, Friedrich giả cách rút lui. Soubise, Hildburghausen tung quân hơn 4 vạn người truy kích. Khi quân Pháp, quân La-Đức có dấu hiệu rối đội ngũ, Friedrich thúc quân phản kích, thắng lớn. Quân Pháp, La-Đức chết hại trên dưới 1 vạn người. Sau khi dẹp yên mặt Sachsen, Friedrich vội đem 13000 quân tiến về Schlesien trong 15 ngày, đến nơi họp với quân địa phương, nâng tổng quân số lên 4 vạn người. Ngày 5 tháng 12, Friedrich hội chiến với gần 7 vạn quân Karl, Daun trong trận Leuthen. Friedrich thắng to, gây hơn 2 vạn tướng sĩ Áo chết và tàn phế.[74] Quân Phổ tổn hao hơn 6200 người. Tiếp đó Friedrich thu lại toàn Schlesien, nhưng nữ vương Áo vẫn không chịu giảng hòa.[75] Friedrich bèn lên kế hoạch đem quân đánh Mähren, vây thành Olmütz để nhử quân chủ lực của Daun tới cứu, kế đó tiêu diệt quân Daun rồi uy hiếp Viên. Ngày 29 tháng 4 năm 1758, Friedrich từ Schlesien vượt sang Mähren; đến ngày 13 tháng 5 bắt đầu vây Olmütz. Áo phòng thủ rất nghiêm nên Friedrich không hạ được. Daun nắm đại quân Áo, không vội đến cứu Olmütz, mà đóng trại ở Skalitz, cho khinh binh quấy nhiễu quân tiếp viện Phổ. Trong trận Domstadtl ngày 30 tháng 6, một đạo viện binh từ Schlesien bị Áo phục kích tiêu diệt.[56]

Cùng lúc đó, Nga chinh phục Đông Phổ, từ đây lấn sang Brandenburg. Friedrich sợ mất Berlin, bỏ Mähren tiến về phía đông đánh Nga. Trong trận Zorndorf ngày 25 tháng 8, Friedrich muốn bọc hậu tiêu diệt cánh quân Nga do Viliam V. Fermor chỉ huy, nhưng bị bắt bài: quân Nga xoay mặt sang hướng mà quân Phổ định đi vòng bọc hậu, buộc Friedrich phải tung nhiều đòn tấn công trực diện mà phần lớn bị quân Nga đập tan; hễ khi quân Nga phản công thì bị quân thiết kỵ Phổ đè bẹp. Sau 1 ngày giao chiến, 2 bên đều tổn thất lớn (Phổ 12000, Nga 18000), nhưng Fermor thu quân khỏi Brandenburg về Ba Lan.[56]

Nguy cơ mất nước

Sau trận Zorndorf, Friedrich đem 3 vạn quân tới Sachsen, ngăn giữ 8 vạn quân Daun. Friedrich đóng trại ở Hochkirch. Ngày 14 tháng 10, nhân sơ hở, Daun đột kích quân doanh, phá tan quân Phổ. Friedrich tổn thất 9 nghìn binh tướng. Năm sau (1759), nguyên soái Nga Pyotr S. Saltykov đem 7 vạn quân từ Ba Lan vào Brandenburg. Friedrich sai tướng Carl von Wedel đem 23000 quân chống đánh. Wedel thua Saltykov trong trận Züllichau, chết hại đến 8000 quân Phổ. Friedrich phải tự đem 48000 quân tới sông Oder giữ Brandenburg. Về phía mình Saltykov họp quân với tướng Áo Laudon, cho 64000 quân trấn đóng Kunersdorf. Tại đây ngày 12 tháng 8, Friedrich hội chiến với liên minh Nga-Áo. Quân Phổ khinh địch, bị thất bại nặng, có đến khoảng 19000 chết, tàn phế và bị bắt.[56] Sau trận đánh Friedrich gửi thư nói tể thần von Finckenstein rằng: "Ta không còn bất cứ một tiềm lực nào nữa. Nói thật với ông nhé, ta tin rằng tất cả đã mất. Vĩnh biệt, ta không thể sống đến khi non sông rơi vào tay quân địch."

Friedrich II cùng Trung đoàn Anhalt-Bernburg khải hoàn tại Liegnitz.

Tuy nhiên, Saltykov và Laudon đã không chộp cơ hội tấn công Berlin, thay vì đó họ rút quân về Ba Lan, nhờ đó Friedrich họp mội đội quân mới gồm 33000 người. Tháng 7 năm 1760, Friedrich đem quân vây Dresden, nơi đã bị quân Áo chiếm năm trước. Friedrich lại thua. Các tướng Áo Daun, Laudon đánh Schlesien, chiếm nhiều thành lớn; Friedrich về Schlesien đánh tan quân Laudon trong trận Liegnitz ngày 15 tháng 8. Sau đó, Daun đem đại quân sang chiếm Sachsen, Friedrich cũng dẫn 5 vạn quân tới, đánh bại Daun ở Torgau. Cùng năm quân Nga tiến tới Berlin, phá được quân Phổ của Seydlitz, chiếm Berlin một thời gian rồi về.[56]

Năm 1761, quân Phổ đã kiệt sức và phải bị động. Quân Áo, Nga lại đánh Schlesien và Sachsen; Friedrich giao em là Heinrich chống Laudon ở Sachsen, tự mình chống Laudon và nguyên soái Nga Aleksandr B. Buturlin ở Schlesien.[56] Ngày 20 tháng 8 năm 1761, Friedrich lập thành lũy trú đóng vững chắc ở Bunzelwitz. Laudon, Buturlin đem 15 vạn quân bao vây, nhưng hai người bất hòa, không chịu đánh. Cuối cùng liên quân rút về vùng Hạ Schlesien và Ba Lan. Friedrich II sai Platen đánh Ba Lan, phá nhiều kho đạn dược của Nga và bắt nhiều lính Nga.[76]

Tại Schlesien, Laudon có để lại một đội quân nhỏ, bất thần chiếm Schweidnitz, một trong các trọng tâm của tỉnh. Cùng lúc đó, tân thủ tướng Anh Huân tước Bute tuyên bố ngưng viện trợ cho Phổ. Cùng lúc đó, quân Nga và Thụy Điển hạ được thành Kolberg ở Pommern. Đến đây, tài lực Phổ kiệt quệ, quân số thiếu hụt đến mức phải tuyển cả trẻ con 13, 14 tuổi vào làm lính, tinh thần binh sĩ sa sút trầm trọng. Còn bản thân Friedrich thì tóc bạc trắng, tinh thần suy sụp, hốc hác như một ông già và nhiễm phải chứng phong thấp do phải lăn lộn quá nhiều ngoài sa trường. Ông luôn mang theo người một bình thuốc độc để khi cần thì tự sát.[77]

Giữ vững vương quốc
Friedrich II sau chiến thắng Torgau, tranh sơn dầu trên vải bạt của Bernhard Rode.

Đầu năm 1762, Phổ gần kề thất bại, Friedrich II được tin nữ hoàng Nga Elizaveta Petrovna qua đời vào ngày 5 tháng 1 năm 1762.[78] Do không có con, sinh thời Elizaveta chỉ định cháu là Đại Công tước Pyotr xứ Schleswig-Holstein làm thái tử, tức Nga hoàng Pyotr III. Pyotr III là người ngưỡng mộ Friedrich II, liền lập liên minh tấn công và phòng thủ với Phổ, rút quân khỏi vùng Đông Phổ đồng thời tuyên bố bảo vệ Phổ trước bất cứ một cuộc tấn công nào,[79] Friedrich cũng trao trả tù binh Nga.[80] Theo chân Nga, Thuỵ Điển cũng ký kết Hiệp ước Hamburg với Phổ vào ngày 22 tháng 5 cùng năm đó, đưa Phổ và Thuỵ Điển đến tình trạng status quo ante bellum.[81]

Dù Anh không viện trợ nữa nhưng Friedrich vẫn quyết tâm theo đuổi cuộc chiến. Trên mặt trận phía Tây, Friedrich được công tước Ferdinand xứ Brunswick giúp sức, quân Phổ thắng quân Pháp trong trận Wilhelmstal ngày 24 tháng 6 và đuổi quân Pháp ra khỏi xứ Westphalia, lại thắng ở Lutterberg ngày 23 tháng 7 năm 1762, rồi chiếm luôn thành Cassel. Ngày 1 tháng 7 năm 1762, Nga hoàng Pyotr III gửi một đạo quân Nga tới giúp Phổ, nhưng ít lâu sau đó liên minh Áo - Nga tan rã, theo lời của tướng Nga Zakhar Grigoryevich Chernyshov là do Pyotr III qua đời, triều đình Nga "chịu ảnh hưởng từ các kẻ thù của Đức Vua" nên hạ lệnh rút quân về Nga. Ông bèn khôn khéo giữ quân Nga lại chỉ để "hù dọa" quân Áo. Nhờ vậy, Friedrich đánh bại quân Áo trong trận Burkersdorf vào ngày 21 tháng 7 năm 1762. Đây là lần đầu tiên Friedrich tấn công bằng các đội hình dọc thay vì đội hình ngang.[82]

Friedrich II cùng Quân đội Phổ.

Sau khi quân Nga rút lui, Friedrich vây Schweidnitz, đánh bại viện quân của Daun ở Reichenbach ngày 16 tháng 8. Schweidnitz đầu hàng. Tại Sachsen quân Phổ do thân vương Heinrich chỉ huy ở Sachsen phá quân của thống chế Jean-Baptiste Serbelloni trong trận Freiberg. Hai bên đều suy suyển, bèn tiến hành đàm phán. Vào ngày 15 tháng 2 năm 1763, chiến tranh kết thúc với Hòa ước Hubertusburg, theo đó, Theresia thừa nhận khôi phục lại tình trạng ban đầu ("status quo ante bellum"), xác lập chủ quyền của Phổ đối với Silesia. Tuy nhiên, Friedrich phải trao trả độc lập cho Sachsen. Thành công của Friedrich trong việc giữ vững vương quốc đã khẳng định vai trò của Phổ như một cường quốc châu Âu[83] Theo một nhà ngoại giao người Pháp, từ đây thanh thế Phổ rất lớn, được coi là minh chủ các nước Kháng Cách chống Áo trong đế quốc La-Đức.[84] Bên cạnh đó, ngay sau cuộc chiến tranh Bảy năm, nước Phổ không còn có một đồng minh cường quốc nào; nhà vua bằng mọi giá không đẩy Phổ vào bất kỳ một cuộc chiến tranh nào. Ông biết rằng, Vương quốc này chỉ mới trở thành một trong những liệt cường trên lục địa châu Âu, nhưng có thể mất vị thế này - vốn dựa vào sức mạnh của Quân đội đất nước.[85]

Chia cắt Liên bang Ba Lan-Litva (1772)

Friedrich II qua nét vẽ của Johann Georg Ziesenis (1716–1776) - họa sĩ người Đức gốc Đan Mạch. (1763)

Ekaterina II làm nữ hoàng Nga sau khi giết chồng là Pyotr III. Ekaterina II ban đầu chống Phổ quyết liệt. Dù vậy, Friedrich II đã chủ động đề xuất lập liên minh Nga-Phổ; liên minh thành lập ngày 11 tháng 4 năm 1764.[85][86] Nga công nhận quyền cai quản Silesia của Phổ, đổi lại Phổ ủng hộ Nga chống Áo hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Nhờ Phổ chống lưng, Ekaterina II đưa người tình là Stanisław August Poniatowski lên làm vua Ba Lan, từ từ khống chế Ba Lan.[87] tháng 9 năm đó, Stanisław August Poniatowski được phong vương. Liên minh Nga-Phổ kéo dài đến năm 1781.[80]

Sau phiên họp Repnin năm 1767, Nga ngày càng lấn vào nội bộ Ba Lan. Việc này làm không chỉ Áo, Thổ mà cả Friedrich cũng lo ngại. Năm 1768, Thổ tuyên chiến với Nga.[85] Friedrich không muốn Nga mạnh lên nhờ lấy đất của Thổ, nhưng vẫn viện trợ 30 vạn rúp. Một mặt Friedrich thỏa thuận với vua Áo Joseph II và tổng lý Wenzel Anton (Vương công xứ Kaunitz-Rietberg) để hòa giải với Áo. Ngay từ năm 1731, trong thư gửi Thống chế Dubislav Gneomar von Natzmer, Friedrich đã thấy việc sáp nhập phần Ba Lan thuộc Phổ sẽ giúp cho các lãnh thổ phía Đông của Phổ được thống nhất.[88]

Friedrich II, Ekaterina II và Joseph II chia cắt "chiếc bánh" Ba Lan (1772).

Mùa đông 1770 - 1771, em Friedrich là Heinrich đến đến chầu Ekaterina II tại Sankt-Peterburg. Thấy Áo sáp nhập một số vùng đất vào năm 1769, Nga gợi ý Phổ chiếm một số vùng thuộc Ba Lan, chẳng hạn như Warmia. Nghe vậy, Heinrich trình tấu kế hoạch này lên vua anh, và nhà vua gợi ý tiến hành chia cắt Ba Lan giữa Phổ - Áo - Nga. Thấy vậy, tổng lý Áo Kaunitz yêu cầu Phổ, sau khi lấy đất của Ba Lan, phải trả lại tỉnh Silesia cho Áo, nhưng Friedrich II không nghe.[89][90]

Sau khi quân Nga chiếm đóng các công quốc vùng Danube, thân vương Heinrich đã thuyết phục vua anh và nữ vương Áo Maria Theresia rằng sự cân bằng quyền lực sẽ không được duy trì bằng những cuộc xâm chiếm lãnh thổ thuộc Ottoman của quân Nga, mà bằng một cuộc phân chia Liên bang Ba Lan-Litva được thực hiện bởi ba cường quốc Phổ - Nga - Áo. Trong cuộc chia cắt Ba Lan lần thứ nhất vào năm 1772, Friedrich II nhận lấy phần lớn tỉnh Prusy Królewskie (nằm ở vùng hạ sông Vistula) của Liên bang Ba Lan-Litva.[91] Ông sáp nhập 36 nghìn cây số vuông lãnh thổ cùng với 60 vạn dân cư vào Vương quốc Phổ - Brandenburg. Như vậy, Phổ là nước nhận được ít đất đai nhất trong ba liệt cường tham gia cuộc phân chia lãnh thổ của Liên bang Ba Lan-Liva.[92] Tuy nhiên, vùng đất mới Tây Phổ đã hợp nhất với Đông Phổ cùng các vùng Brandenburg, Hinterpommern và khiến cho Phổ nhận được quyền cai quản cửa sông Wisla, một khu vực có giá trị kinh tế quan trọng. Mặc dù Maria Theresia đã chấp thuận việc phân chia này một cách miễn cưỡng, theo Friedrich II, "dù bà ta đã khóc, nhưng bà ta buộc phải đồng ý".[93]

Như vậy, Phổ đã thu được nhiều lợi ích nhất trong cuộc chia cắt Ba Lan lần thứ nhất (1772), dù không chiếm được vùng Danzig hoặc là vùng Thorn (Torun).[94] Ông nhanh chóng thực hiện cải tổ về mặt hành chính, luật pháp, là cải tiến hệ thống trường học ở Tây Phổ.[95] Tuy nhiên, nhà vua tỏ ra coi thường những thần dân mới của mình. Ông không làm gì ngoài việc xúc phạm szlachta, một nhóm quý tộc người Ba Lan, vì viết rằng Ba Lan "là nước có một chính phủ tồi tệ nhất ở châu Âu, nếu không kể Thổ Nhĩ Kỳ".[93] Ông xem Tây Phổ là nơi chưa có văn minh, giống như vùng đất Canada - một thuộc địa của đế quốc Anh thời bấy giờ,[96] lại còn so sánh người Ba Lan với người Iroquois ở Bắc Mỹ.[93] Nhà vua xem cuộc chia cắt Ba Lan là hậu quả của "sự ngu xuẩn của bọn Potockis, Krasi_skis, Oginskis, và tất cả những tên tiện dân có tên kết thúc với chữ -ki"; trong thư gửi Voltaire vào năm 1772, ông gọi họ là "giống người sắp tuyệt chủng ở châu Âu".[97] Trong lá thư gửi Heinrich, ông cho rằng:

Cuộc chiếm đóng Tây Phổ thật thành công và thuận lợi đối với chúng ta, cả về quan điểm chính trị lẫn quan điểm kinh tế. Để tránh gây đố kỵ ta xin nói với tất cả mọi người rằng, trong những chuyến du hành ta đã quan sát những nơi trồng cây thạch lam, những người Do Thái và cả những hạt cát nhỏ bé. Dù rằng chúng ta có thể làm rất nhiều việc, hiện giờ không có một mệnh lệnh hay một dự định nào và những thị trấn đang ở trang tình thế bi kịch.

— Friedich II[98]


Friedrich bèn cho người Đức đến Tây Phổ để quy hoạch tỉnh này.[95] Ông cũng có hy vọng rằng những người Phổ này sẽ hất cẳng những người Ba Lan ra khỏi Tây Phổ.[99] Nhiều quan đại thần người Phổ cũng tỏ thái độ coi thường người Ba Lan. Tuy nhiên, bên cạnh đó nhà vua đối xử tốt với một số người Ba Lan, chẳng hạn như Tổng Giám mục Ignacy Krasicki, người đã làm lễ khai trương Đại giáo đường Thánh Hedwig vào năm 1773. Ngoài ra, ông còn khuyên các vị vua kế tục nên học tiếng Ba Lan. Họ đã làm theo lời khuyên của ông, mãi cho đến khi Friedrich III quyết định không cho con mình là Wilhelm II học ngôn ngữ này.[95]

Friedrich II và cuộc chiến tranh Cách mạng Mỹ (1775 - 1785)

Friedrich có ác cảm với Chính phủ Huân tước Bute của Anh Quốc vì Bute không duy trì liên minh Anh-Phổ của người tiền nhiệm Pitt[100] Những năm cuối đời cuối đời Friedrich II chứng kiến cuộc chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh Quốc tại Bắc Mỹ.[101] Khi Cách mạng Mỹ bùng nổ, Chính phủ Anh tố cáo ông ngăn cản việc họ thuê một toán quân Nga làm lính đàn áp Cách mạng Mỹ, và cho các tướng tá Phổ đứng về phe Cách mạng, nhưng vô căn cứ. Ông không hề sai tướng nào đánh Anh, và một Nam Tước Phổ là Friedrich Wilhelm Augustin Ludolf Gerhard chỉ tình nguyện giúp cho Cách mạng, không phải là nghe lệnh của nhà vua.[100] Ngay cả các sử gia người Đức cũng cho rằng Friedrich II không phải là một người bạn của cách mạng Mỹ.[102]. Friedrich Kapp nhìn nhận:[103]

Friedrich II qua nét vẽ của Adolph von Menzel, 1859.
Nhân dân Mỹ giành được độc lập không nhờ bất cứ một sự hỗ trợ nào của Friedrich. Không có bằng chứng nào cho thấy nhà vua có thiện cảm cá nhân hoặc chính trị đối với người Mỹ, nhưng một điều dễ hiểu là nhà vua chỉ lợi dụng họ để giành lợi thế trong cuộc tranh đấu trên chính trường Âu châu mà thôi.
— Friedrich Kapp

Bản thân Friedrich II cũng trơ trẽn thừa nhận ông có ý định "đứng về phe nào có lợi thế trong cuộc chiến tranh". Lúc bấy giờ, ông mong muốn tái lập liên minh Nga-Phổ. Vì thế, ông đồng ý với đề xuất trung gian của Ekaterina II trong cuộc Cách mạng Bắc Mỹ. Khi bà thiết lập "Liên minh các nước trung lập vũ trang" chống lại Đế quốc Thực dân Anh, Friedrich đã tham gia liên minh này.[104] Sau khi cuộc chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh tại Bắc Mỹ thắng lợi, ông thừa nhận nền độc lập của Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ. Một lý do khác khiến ông tham gia "Liên minh các nước trung lập vũ trang" là do ông muốn phát triển nền thương mại nước nhà,[105] như một lá thư giữa quan Khâm sai Đại thần Phổ và một nhà ngoại giao người Mỹ ghi nhận khi Cách mạng còn tiếp diễn: "Theo văn kiện của một viên đại thần trên danh nghĩa vua, vua Phổ tuyên bố: những thương gia Bắc Mỹ chắc chắn sẽ giành độc lập cho non sông, và họ sẽ mang tàu buôn của họ vào các cảng của Đại vương dưới sự cho phép của Ngài" (1779).[106] Vào năm 1785, Hiệp ước thương mại Phổ - Mỹ được ký kết, biến Friedrich trở thành vua châu Âu đầu tiên thiết lập quan hệ thương mại với nền cộng hòa Mỹ non trẻ.[106][107]

Friedrich được các nhà cách mạng Mỹ George Washington, Benjamin Franklin hay Greene thán phục. Đến Mỹ, Nam tước Friedrich Wilhelm Augustin Ludolf Gerhard von Steuben - nguyên là Sĩ quan Quân đội Phổ - được chào mừng như một trong những chiến binh dưới quyền Friedrich. Sự hiện hữu của nhiều nhà hàng mang tên "Quốc vương nước Phổ" là một biểu hiện của lòng yêu mến của dân Mỹ đối với vua Phổ. Không những các nhà hàng và thị trấn, nhân dân các thuộc địa ở Bắc Mỹ cũng đặt tên những con tàu buôn của họ là "Quốc vương nước Phổ", vì nhận thấy những chiến thắng của ông có ảnh hưởng đến sự rút lui của thực dân Pháp ra khỏi Canada.[108] Là vị minh chủ cuộc đấu tranh của người Tin Lành chống đế quốc Áo, những người Đức tại Pennsylvania và New York và cả các lãnh tụ Cách mạng Mỹ xem ông là vị vua tài giỏi nhất, người chiến binh kiệt xuất nhất của Âu châu, và xem cuộc chiến tranh Bảy năm anh hùng của ông như một tấm gương để người Mỹ noi theo.[100]

Cuộc chiến cuối cùng (1778 - 1785)

"Friedrich Đại đế và anh quân y", tranh sơn dầu trên vải bạt của Bernhard Rode.

Về cuối đời, Friedrich lại đánh Áo trong Chiến tranh Kế vị Bayern (1778 – 1779), chống lại âm mưu chiếm đóng xứ Bayern của Joseph II. Ông liên minh với tuyển hầu tước Sachsen và quận công Karl xứ Zweibrük. Ngày 3 tháng 7 năm 1778, Friedrich tự làm tướng đánh Bohemia, đến sông Elbe gặp quân Áo bố phòng cẩn mật, nên Friedrich không dám đánh lớn.[57][109] Tuy nhiên, quân Phổ thường chia nhau cướp phá đất Áo, chở từng xe đầy khoai tây cướp được mang về nước và thế là sinh ra cái tên "cuộc chiến tranh khoai tây".[110] Maria Theresia sợ, van nài Friedrich rút quân. Friedrich hứa sẽ không gây tính mạng của Joseph II.[106] Cuối cùng thì Friedrich rút lui khỏi xứ Bohemia.[111]

Sau nhiều thỏa thuận bí mật với Maria Theresia, Friedrich ký với Áo Hiệp định Teschen. Friedrich lấy được các xứ Ansbach, Baviere; quân Áo chịu rút khỏi Bayern[112]. Cân bằng quyền lực Áo-Phổ được giữ vững.[109][113]

Đầu thập niên 1780, vua Áo tái lập liên minh Áo-Nga-Pháp hòng sáp nhập Bayern vào Áo. Friedrich hết sức lo buồn, thường than rằng việc thống trị nước Phổ đã trở thành một nỗi lo đối với tấm thân 70 tuổi của mình. Friedrich bèn thiết lập "Liên minh các Vương hầu người Đức" (Fürstenbund) vào ngày 23 tháng 7 năm 1785, cùng với các lãnh chúa xứ Sachsen và Hanover. Nhiều tiểu quốc Đức như Hesse-Cassel, Gotha, Weimar, Brunswick, Ansbach, Baden, Anhalt, v.v... cũng đồng loạt theo về minh chủ Friedrich II.[57] Sự kiện này đã khiến ông được xem là người bảo vệ những đặc quyền của một số tiểu quốc nói tiếng Đức,[114] chứ không còn là vị vua gây chiến với triều đại Habsburg như trước đây nữa.

Nội trị

Bên cạnh những thành tựu về quân sự, Friedrich cũng tiến hành cải cách về chính trị, kinh tế để Phổ từ một xứ lạc hậu trở thành một cường quốc kinh tế.[115] Cuộc chiếm đóng xứ Silesia đã đem lại nguyên liệu cho các ngành công nghiệp non trẻ của nước Phổ. Nhà vua đã thực hiện chính sách khuyến nông và bảo hộ các ngành công nghiệp trong nước bằng các biện pháp như: đánh thuế nhập khẩu cao và giảm bớt tối đa các rào cản trong nội thương. Triều đình huy động nhân dân xây các kênh đào (trong số đó có một kênh nằm giữa sông Vistula và sông Oder) cấp nước cho các đầm lầy để canh tác nông nghiệp, và giới thiệu các loại cây trồng mới như khoai tâycủ cải. Friedrich II đã đặt Oderbruch làm một tỉnh của Vương quốc Phổ, ông cho rằng "Ta đã chinh phạt được Orberuch mà không phải tốn một mũi tên": phần lớn đầm lầy ở đây trở thành nơi trồng trọt sau các năm 1746 – 1753.[116] Vào tháng 5 năm 1744, lãnh chúa Charles Edvard của xứ Đông Frisia qua đời, ông bác bỏ quyền thừa kế của triều đại Hanover và chiếm luôn xứ Đông Frisia, mở rộng tầm nhìn ra Biển Bắc. Ông ao ước thành Emden (Đông Frisia) sẽ là một đối thủ của Amsterdarm tại Đế quốc Hà Lan, do đó ông cho phép họ được tự do buôn bán vào năm 1751.[117][118] Với sự giúp đỡ của các chuyên gia người Pháp, ông đã cải tổ hệ thống thuế gián thu. Thuế gián thu đã mang lại thu nhập cao (hơn thuế trực tiếp) cho Nhà nước.[119]

Tranh vẽ Friedrich II, không rõ là của họa sĩ nào.

Không những đổi mới hệ thống giao thông, ông còn hạ lệnh cho thiết lập nhà máy và nâng cao toàn bộ thực lực mà Phổ có được sau khi chiếm Silesia.[33] Friedrich II cũng khuếch trương thương mại và khuyến khích thương gia Johann Ernst Gotzkowsky cạnh tranh với người Pháp bằng việc mở một cơ sở sản xuất tơ lụa, đồng thời cung cấp 1.500 việc làm chỉ tại nhà máy này. Friedrich II tiếp tục khuyến cáo người dân nộp thuế cầu, đường, chợ, v.v... và hạn chế sự nhập khẩu hàng hóa. Vào năm 1763, khi Johann Gotzkowsky bị phá sản do một cuộc khủng hoảng tài chính vốn xuất phát từ Frankfurt và Amsterdam,[120] nhà vua đã giành lấy kiểm quyển soát công ty sản xuất đồ sứ của ông này (KPM), nhưng lại không mua thêm tranh do Gotzkowsky bán. Do đó, công ty sản xuất đồ sứ "KPM" trở thành một công ty thuộc quyền kiểm soát của Hoàng gia Phổ Quốc.[121]

Dưới thời Friedrich II ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh Bảy năm và cuộc tấn cong Silesia đã dẫn đến sự thay đổi lớn lao của nền kinh tế đất nước. Trong bảy năm chinh chiến, Fiedrich xuống chiếu khuyến nhân dân đóng thuế đến 43 triệu thaler. Suốt bảy năm ấy, có 3 lần nhà vua giảm giá đồng tiền Phổ. Không những thế, ông cũng thu thập những đồng tiền mà ông chiếm được từ tay liên quân chống Phổ tại các tỉnh Silesia, Pomerania, v.v... Vào năm 1763, sau ngày khải hoàn, ông bắt tay vào việc tái thiết dần dần nước Phổ đang ở trong tình trạng đổ nát.[122] Trong công cuộc tái thiết Vương quốc, sử sách ghi chép rõ: nhà vua không hề nợ của ai bất kỳ một đồng đô la nào.[48] Nhà vua luôn thức dậy lúc 4 giờ sáng và làm việc đến 20 tiếng đồng hồ trong một ngày,[48] do đó sự thịnh vượng của nước Phổ đã quay trở lại.[119] Việc lưu hành tiền bị giảm giá đã giữ cho giá cả các mặt hàng tiêu dùng luôn ở mức cao. Vào tháng 5 năm 1763, Friedrich ra chỉ dụ ước lượng lại đồng tiền Thaler. Với sắc lệnh này, giá trị đồng tiền, vốn trước kia không được chấp nhận trong giao dịch, được ổn định lại và đảm bảo được các khoản thu từ thuế bằng giá trị trước chiến tranh. Ở miền Bắc Đức, người ta dùng đồng Reichsthaler thay cho đồng Thaler, có giá trị bằng một phần tư giá trị đồng Conventionsthaler. Nước Phổ đã dùng đồng Thaler, có giá trị bằng một phần mười bốn đồng bạc Mark Cologne. Ít lâu sau, nhiều vị vua khác đã theo bước Friedrich II trong việc cải cách tiền tệ nước họ - kết quả là sự thiếu hụt tiền mặt, dẫn đến sự giảm giá.[123]

Friedrich cũng thiết lập Ngân hàng Berlin vào năm 1764, và đặt ngân hàng này làm ngân hàng quốc gia. Ông đã gửi một số tiền tương đương với 8 triệu thalers vào Ngân hàng Berlin.[124] Cũng sau ngày khải hoàn, ông ban hạt giống cho địa chủ của ruộng đất bị bỏ hoang để họ gieo trồng,[119] ban cho thần dân xứ Silesia ba triệu thaler, và thần dân xứ Pomerania hai triệu thalers. Ông còn truyền lệnh cho xây dựng lại những ngôi nhà, cung cấp tiền tự do cho những ngôi nhà được tái xây dựng và ban thưởng cho những Sĩ quan có công trong suốt cuộc chiến tranh tàn khốc. Những góa phụ của liệt sĩ được ông ban cho tiền trợ cấp. Ông xuống chiếu giảm thuế hai năm đối với xứ Pomerania và Neumark, rồi giảm thuế sáu năm đối với xứ Silesia.[119] Chỉ trong vòng vài tháng, giờ đây tất cả mọi nông trang đều có ngựa trên toàn Vương quốc Phổ - Brandenburg.[119] Vào năm 1770, hầu như tất cả những ngôi làng bị hủy hoại đã sinh hoạt trở lại trên khắp Đế chế, nhân dân Phổ tiếp tục trồng trọt và trật tự đã ổn định lại, và tất cả các phủ đường bỏ trống đã được nhà vua lấp đầy người vào. Vào năm 1773, nước Phổ có đến 264 nhà máy mới, đó là những nhà máy tinh chế đường, nhà máy làm đồ bằng da, nhà máy làm thuốc lá hay nhà máy sản xuất đồ sứ, v.v...[125] Tổng cộng, cuối đời Friedrich II, ông dùng 24 triệu thaler để cải thiện nền nông nghiệp và công nghiệp.[48].[126]

"Đức Vua ở khắp mọi nơi", hoạ phẩm của Robert Warthmüller (1886), cho thấy Friedrich thăm một trang trại khoai tây.

Nhà vua theo dõi chặt chẽ hệ thống hành chính nước Phổ.[127] Friedrich đã xây dựng một hệ thống Chính phủ Đế chế Phổ - Brandenburg thời cận đại, hiệu quả nhất trên toàn cõi châu Âu.[128] Khi ông lên nối ngôi, nước Phổ có ba vị Thủ tướng: Heinrich von Podewils, Adrian Bernhard von Borck và Wilhelm Heinrich von Thulemeier. Heinrich von Thulemeier mất vào năm 1740, và không có người thay thế. Von Bock rời khỏi Chính phủ vào năm 1741 và được người cháu thế chức. Còn Von Podewils thì coi sóc việc ngoại giao cho đến khi qua đời năm 1760.[129] Vào năm 1749, Bá tước Karl-Wilhelm Finck von Finckenstein (11 tháng 2 năm 1714 – 3 tháng 1 năm 1800, Berlin) - từng là Sứ thần đến Vương quốc Thuỵ ĐiểnĐan Mạch được bổ nhiệm làm Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Phổ.[130] Cho đến năm 1760, trụ cột của hệ thống hành chính Đế chế Phổ - Brandenburg là viên Bộ trưởng Chiến tranh (kiêm luôn chức Bộ trưởng Tài chính) Adam Ludwig von Blumenthal. Vào năm 1764, cháu trai của A. L. Blumenthal là Joachim lên nối nghiệp, tiếp tục làm quan qua nhiều đời vua. Có một lần, nhà vua nước Phổ đã căn dặn Thủ tướng Heinrich von Podewils:

Trách nhiệm của các bộ trưởng nói chung, và trách nhiệm của ông nói riêng, là bảo vệ lẽ phải. Hãy đồng hành cùng nó...
— Friedrich Đại Đế

Cho đến năm 1786, nhà vua vẫn nghiêm khắc hạn chế những ảnh hưởng từ các vị đại thần trong triều, chẳng hạn như Bá tước Finck von Finckenstein. Khi còn làm Thủ tướng Chính phủ, Heinrich von Podewils có ít ảnh hưởng đến nền thống trị Phổ thời đó, chỉ là kẻ làm theo những mệnh lệnh khe khắc của Quốc vương. Theo Hamish Scott, "Podewils... được tiếp cận với các phái bộ sứ thần tại thủ đô, và được nghe bất cứ những gì các sứ thần nói. Tuy nhiên, ông không được trả lời khi chưa có lệnh bua. Nói cách khác, vị thượng quan này, là người phát ngôn và là lỗ tai của vua. Tuy nhiên, ông không được phát biểu đường lối chính trị và không thể hiểu nổi những ý định thực sự của vua"[129] Theo Giáo sư R. Lodge (Britain and Prussia, trang 72), Thủ tướng Von Finckenstein chỉ là một "kẻ phát ngôn của những ý định khẩn cấp của ông" và "bản thân ông không hề có ảnh hưởng gì đối với chính sách của Friedrich". Tuy nhiên, theo cuốn Liên minh Anh - Phổ và cuộc chiến tranh Bảy năm: nghiên cứu về các chính sách liên minh và ngoại giao, sự dè đặt kín đáo trong những bức thư giữa nhà vua và Thủ tướng cho thấy Von Finckenstein có những quan điểm rõ rệt trong chính sách đối nội và đối ngoại của nhà vua..[131]

Friedrich đã tìm cách thiết lập một số cơ quan cùng làm việc với bộ máy Chính phủ Phổ sẵn có, nhưng lệ thuộc vào nhà vua hơn, và thi hành trách nhiệm mau lẹ hơn. Ông đã cải cách 'Hội đồng Chấp chính', được vua cha Friedrich Wilhelm I thiết lập trước đây. Để tăng hiệu quả của Hội đồng này, Friedrich II tiếp tục cải cách:[132] ông xuống chiếu thành lập một số Bộ mới để chăm lo kinh tế, khuyến khích công - thương nghiệp và cung cấp quân nhu cho Quân đội Phổ. Không may thay, do những trục trặc (chẳng hạn như mâu thuẫn giữa các Bộ), những cải cách 'Hội đồng Chấp chính' không thành công lắm. Vào năm 1763, ông lại đề xướng cải cách khác. Có thể nói, đây là ý tưởng giảm bớt quyền lợi của 'Hội đồng Chấp chính', và nâng cao ảnh hưởng của Quân vương trong mọi việc triều chính. Sau đó, ông xuống chiếu thiết lập một số Bộ, và giao cho họ những trách nhiệm riêng biệt. Dù Bộ trưởng các Bộ này thuộc về 'Hội đồng Chấp chính', trên thực tế họ là những quan chức hoàn toàn riêng lẻ và trực tiếp trao đổi mọi chuyện với nhà vua. Friedrich II không có ý định xóa bỏ các Tổ chức Hành pháp Chiến tranh và Ruộng đất cấp tỉnh do Friedrich Wilhelm I lập ra, nhưng ông cố gắng giảm bớt quyền hành của các Tổ chức này, và buộc họ phải thi hành Huấn lệnh của Hoàng gia nhanh chóng hơn. Do đó, khi nhà vua chiến thắng tại Silesia, ông giao xứ này cho các Tổ chức Hành pháp Ruộng đất - họ không lệ thuộc vào 'Hội đồng Chấp chính' nhưng trung thành với Quân vương. Nhà vua cũng làm điều tương tự khi chiếm đóng Tây Phổ sau cuộc chia cắt Ba Lan lần thứ nhất (1772). Vào năm 1783, ông nói với viên Thống đốc thành Breslau:

Ông không được chủ động làm bất cứ một điều gì. Tất cả mọi việc, ông đều phải thỉnh tấu lên ta.

— Friedrich Đại đế
Friedrich và người cháu - sau là vua Friedrich Wilhelm III.

Theo nhận định của cựu Thủ tướng Cộng hoà Liên bang Đức Helmut Kohl, tên tuổi của Friedrich II "gắn liền với sự mở đầu của nền thống trị bằng Luật pháp và một Chính phủ hiện đại".[128] Thậy vậy, nhằm xây dựng một Chính phủ Phổ công minh hơn, ông cũng đề xuất cải cách luật pháp, nghe theo lời khuyên của một trong những học giả pháp luật nổi tiếng nhất thế kỷ XVIII - Coccejius. Nhà vua tin rằng Nhà nước cần có Luật pháp hơn là một Quân vương chuyên quyền, tất cả mọi người đều có thể tiếp cận với công lý, đều phải tuân thủ pháp luật và việc ân xá cho một kẻ vô tội sẽ hay hơn là gán ghép cho họ tội này tội kia. Trong thư gửi Voltaire vào năm 1766 ông viết: "Một Quốc gia không thể tồn tại nếu không có Luật pháp, nhưng có thể tồn tại nếu không có Tôn giáo". Do đó, Friedrich soạn "Bộ luật Friedrich" (Codex Fridericianus) vào năm 1747. Tuy nhiên, những di sản lớn hơn cả mà nhà vua để lại cho luật pháp Phổ là "Allgemeines preussisches Landrecht", được thực hiện bởi Đại Pháp quan Phổ - Bá tước Johann H. C. von Carmer (1721 - 1801), dựa trên bộ "Project des Corporis Juris Fridericiani", do Samuel von Cocceji (1670 - 1755) thực hiện trong các năm 1740 - 1751. Triều đình Phổ cũng dày công xây dựng một bộ luật mang tên "Landrecht", kết hợp giữa luật Đức và luật La Mã, được áp dụng chính thức năm 1794. Friedrich rất căm ghét thói lười biếng, và sẵn sàng trừng trị những viên chức lười nhác. Ông nói: "Ta không thiết sống trên đời, nhưng ta cần sống đi đôi với sự siêng năng."

Luật pháp nước Phổ dưới thời Friedrich II là Bộ luật công minh nhất châu Âu thời bấy giờ.[128] Trước thời ông, vào năm 1721, Tuyển hầu tước Friedrich I đã nhấn mạnh rằng hình phạt tra tấn chỉ được áp dụng khi có ưng thuận của Quốc vương. Ngay từ khi lên nối ngôi, ông đã duyệt lại quy định này, và đặt ra những trường hợp tội phạm không thể dùng hình phạt tra tấn. Vào ngày 3 tháng 6 năm 1740 (chỉ ba ngày sau khi vua cha qua đời), ông tuyên bố rằng nước Phổ không thể dùng hình phạt tra tấn nữa, với ngoại lệ rất ít: chẳng hạn như nếu tội phạm đó có mưu đồ chống lại Đức Vua và Vương quốc. Cho đến năm 1754, ông còn ra một lệnh tiến bộ hơn: tất cả những cách tra tấn đều biến khỏi Vương quốc Phổ, đây là lần đầu tiên hình phạt tra tấn bị bãi bỏ tại lục địa Âu châu.[133] Ông cho rằng hình phạt tra tấn không chỉ "tàn bạo" (grausam), mà cũng không phải là một cách tìm công lý; và hạn chế số lượng tội phạm có thể bị tử hình. Hình phạt những cô gái phá thai cũng bị Triều đình ông xóa sổ.[134]

Friedrich cũng đầu tư nhiều công sức vào việc xây dựng một nền giáo dục tốt.[135] Sau khi ông lên ngôi năm 1740, các trường dạy tiếng La Tinh ở Phổ đã được cải tổ. Tiếng Hy Lạp trở thành một trong những bộ môn quan trọng nhất trong các trường dạy tiếng La Tinh.[136] Vào năm 1753, ông hạ lệnh cho mở trường học tại những ngôi làng quê. Nhiều năm sau (1770), ông thiết lập Viện Hàn Lâm Mỏ ở Berlin, mở đầu cho quá trình hình thành của Trường Đại học Kỹ thuật Berlin.[137] Nhiều nước tích cực cạnh tranh với hệ thống giáo dục Phổ, trong số đó có cả Hoa Kỳ[138].

Chúng ta đang gần như quên lãng một nước Phổ làm gương cho không ít các nước khác. Nước Nhật Bản là một trong số đó, họ noi theo nước Phổ, nên thỉnh thoảng gọi là "Vương quốc Phổ của Á châu".
— Nis Petersen, chuyên gia về Friedrich II, phụ trách bộ môn Lịch sử Trường Cao đẳng Quốc gia Jersey[128]

Tuy nhiên, ông không hề đổi mới cấu trúc xã hội khắt khe của Phổ cũng như không giải phóng tầng lớp nông nô. Vì vậy, trong thời kỳ ông cầm quyền, người nông dân vẫn phải chịu khuất phục những gò bó của chế độ phong kiến Phổ. Nhà vua đã ví von số phận của giai cấp nông dân như "những con súc vật thồ trong xã hội loài người", và đánh lên họ đầy đủ thuế má.[128] Friedrich II có thể được xem là vị vua chỉ áp dụng triết học Khai sáng một cách nửa vời, dù truyền lệnh bãi bỏ nông nô ở ruộng đất thuộc quyền sở hữu của Hoàng gia, ông không hề buộc tầng lớp quý tộc thống trị Phổ phải tuân theo ở ruộng đất riêng của họ, do ông cần sự ủng hộ của họ. Không những thế, chủ nghĩa quân phiệt Phổ vẫn còn tồn tại dưới triều đại ông.[139] Triều đình Friedrich II cho phép những quý tộc Junker tha hồ mua ruộng đất, đổi lại họ phải giúp vua trong chiến tranh.[140] So với nước Nga thời bấy giờ, nước Phổ của Friedrich II mang tính tư sản hơn, nhưng so với nước Pháp - vốn có ảnh hưởng lớn đến nhà vua Phổ - Phổ là một cường quốc gần như không có tầng lớp trung lưu; thậm chí, nước Phổ của Friedrich II là quốc gia ít tính chất tư sản nhất trong các nước thuộc đế quốc La Mã Thần thánh.[35] Trong một lá thư từ từ thành phố Hamburg gửi Nikolai vào năm 1769, nhà văn người Đức Lessing đã lên án chế độ quân chủ chuyên quyền và cho hay, nước Phổ là "quốc gia mù quáng nhất của châu Âu", và nhà vua chỉ áp dụng tự do chủ nghĩa qua việc cho phép thần dân văng tục chửi thề tôn giáo truyền thống.[141]

Mặc khác, nhà vua nước Phổ, trong những lần đi bộ ngao du, thường thăm hỏi và nói chuyện thân mật với bà con nông dân. Người ta gọi nước Phổ trong thời kỳ trị vì lâu dài của ông là một "chính thể quân chủ chuyên chế lập hiến". Friedrich II còn tự tấn phong làm "Đức Vua của Phổ" sau khi chiếm được vùng Prusy Królewskie (Tây Phổ, ngoại trừ vùng Gdańsk) vào những năm 1770 – 1772,[91][142] chứ không còn là "Đức Vua ở Phổ" như trước nữa. Tước hiệu "Đức Vua ở Phổ" đã được dùng kể từ khi Friedrich I von Hohenzollern làm lễ đăng quang tại Königsberg năm 1701. Trong khi lãnh thổ Phổ trước kia rộng 119000 ki-lô-mét vuông, ông đã mở rộng đến 185.000 ki-lô-mét vuông.[143] Đến khi nhà vua qua đời vào năm 1786,à ngân khố quốc gia chứa đến 70 triệu thalers.[144]

Chính sách tự do tôn giáo

Đối với tôn giáo, Friedrich thực hiện chính sách tự do khoan hồng.[145][146] Sau khi Friedrich Wilhelm I qua đời, Friedrich II đã ân xá cho nhà triết học Christian Wolff - người từng bị trục xuất khỏi Phổ vì tội "vô thần".[147] riedrich II đã phủ nhận bất cứ một mối quan hệ nào giữa quốc gia và những tín điều giáo lý. Ngay từ khi lên ngôi, vào ngày 22 tháng 6 năm 1740, nghe lời than phiền rằng cộng đồng Công giáo Phổ đang tìm cách mở trường học để giảm số lượng tín đồ của Hội thánh Tin Lành,[148] ông đã lưu ý với Bộ Tôn giáo Phổ:[149][150]

Mọi người phải được tự do tôn giáo, và bọn quan lại địa phương không để yên cho các cộng đồng tôn giáo đối xử tàn nhẫn với nhau. Tín đồ của tôn giáo nào thì phải được thờ phụng vị Thượng đế của tôn giáo đó.
— Friedrich Đại đế

Dưới triều đại ông, ở các xứ bị ông chinh phạt, tín đồ Công giáo được sinh sống tự do. Tại Berlin, một giáo đường của người Công giáo được xây dựng. Nhà vua dạy những thần dân Kháng Cách rằng, họ cũng có quyền hạn ngang với các tín đồ Công giáo Rôma, và không được ngược đãi tôn giáo này.[151] Nhà vua còn tuyên bố ông sẽ xây cất các nhà thờ Hồi giáo hay Thiên Chúa giáo nếu "bọn Thổ Nhĩ Kỳ và bọn ngoại giáo đến sinh sống ở nước ta".[152] Trong Tiểu luận về các hình thức Chính phủ (1777) của ông, nhà vua cho rằng: "Sự đàn áp là thứ gây ra những cuộc nội chiến, đẫm máu nhất, lâu dài nhất và huỷ diệt kinh khủng", và phủ nhận cả tư tưởng cấm đoán tôn giáo lẫn chính sách cấm đoán tôn giáo.[153] Phổ tự do tín ngưỡng đến mức không một nước nào ở Đức sánh bằng,[147] và trở thành một miền đất hứa, giống như Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ đối với dân nhập cư tìm kiếm tự do trong thế kỷ XIX sau này.[138] Triều đình Friedrich II cũng xuống chiếu mời những người ngoại quốc đến di cư ở các làng bản hoang tàn, góp phần tái thiết Vương quốc sau cuộc chiến tranh Bảy năm kinh hoàng. Sau khi Giáo hoàng Clêmentê XIV giải thể Dòng Tên, ông vẫn cho phép các giáo sĩ Dòng Tên được giảng đạo tại vùng Silesia, Warmia, và quận Netze. Ông thích đem những tinh hoa khác nhau đến vương quốc của mình, từ các giáo sĩ Dòng Tên, những tín đồ Huguenot, hay những nhà buôn và chủ ngân hàng Do Thái, chủ yếu là từ Vương quốc Tây Ban Nha. Ông mong muốn phát triển tất cả các miền đất trên khắp đất nước, đặc biệt là tại những vùng đất mà ông cho là rất cần phải phát triển. Song, những cuộc cải cách của nhà vua tự do tư tưởng không hề gặp bất kỳ sự phản đối nào từ tầng lớp hạ lưu theo đạo Luther.[35] Cũng như vua cha đã gọi dân Do Thái là "những con châu chấu" trước kia, ông cũng không có thiện cảm với họ. Dù ông gia tăng quyền lợi của cộng đồng Do Thái, Testament politique của Friedrich II đã cho thấy ông là một vị vua có đầu óc thực tế và không hoàn toàn có lòng khoan dung. Trong Di chúc Chính trị có đoạn viết của ông:

Ti6u thấy ở các thị trấn của Vương quốc có quá nhiều người Do Thái. Họ nên sống ở biên giới Ba Lan vì tại đó chỉ có những người Hê-brơ mới thực hiện buôn bán. Ngay khi những người khác rời khỏi vùng biên giới, những người Do Thái sẽ gây bất lợi cho chúng ta, bọn họ sẽ hình thành bè phái, bọn họ sẽ buôn lậu và sẽ bằng mọi cách gây khó khăn cho các giáo dân Ki-tô giáo hay các nhà buôn. Tôi không bao giờ bắt bớ bất kỳ một người Do Thái hay một giống người nào cả. Tuy nhiên, thiết nghĩ chúng ta nên giám sát họ chặt chẽ, nên để cho số lượng người Do Thái không thể gia tăng.
— "Testament politique"[154]
Ghế của vua tại Hoàng cung Sanssouci.

Do đó, người Do Thái tại biên giới Ba Lan được phép tự do buôn bán, đồng thời nhận được mọi sự bảo hộ và hỗ trợ từ nhà vua, cũng như những thần dân khác của nước Phổ. Dưới triều đại ông, cộng đồng Do Thái trở nên thịnh vượng. Thành công của việc trong việc hội nhập những người Do Thái vào xã hội những vùng đất tại biên giới Ba Lan do Friedrich thực hiện có thể thấy trong rất nhiều năm sau: một người Do Thái tên là Gerson von Bleichröder (1822 – 1893) đã hỗ trợ về tài chính cho công cuộc thiết lập Đế chế thứ hai của người Đức, lãnh đạo bởi Thủ tướng Otto von Bismarck (1815 – 1898).[155]

Dưới triều Friedrich II, người ta đã trồng trọt được nhiều vùng đất hoang, Vương quốc Phổ đã có dấu hiệu chuyển hóa thành một nước theo chủ nghĩa thực dân. Nhà vua nhấn mạnh rằng dân tộc và tôn giáo không phải là những vấn đề mà ông lo sợ.[32][90]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Friedrich II của Phổ http://www.1902encyclopedia.com/F/FRE/frederick-ii... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/222700/F... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/239929/J... http://www.britannica.com/eb/article-9060581 http://www.cliffsnotes.com/WileyCDA/LitNote/Candid... http://www.encyclopedia.com/html/L/Lagrange.asp http://books.google.com/books?id=-1IEAAAAMBAJ&lpg=... http://books.google.com/books?id=_9sImYb5e1AC&pg=P... http://www.heritage-history.com/www/heritage.php?D... http://www.historicreeseville.com/early2.htm